Nếu đây là lần đầu tiên bạn khởi nghiệp tại Singapore thì mọi chuyện có thể còn khá mới mẻ và hoang mang. Việc tìm hiểu về các cơ quan chính phủ tại Quốc đảo sư tử và các thông tin liên quan là việc rất cần thiết. Lý do là vì trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh tại Singapore, bạn cần phải làm việc thường xuyên với một số cơ quan để thực hiện các yêu cầu báo cáo thường niên.
Ngoài ra, có thể bạn chưa biết, Singapore ban hành một số lượng lớn các chương trình ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Muốn tham gia vào các ưu đãi hiện hành này, bạn cũng cần biết đến các cơ quan chính phủ phụ trách chúng.
Bên dưới đây là danh sách các cơ quan chính phủ Singapore mà bạn nên biết. Trong đó, chắc chắn sẽ có vài cơ quan mà doanh nghiệp của bạn cần phải làm việc thường xuyên trong tương lai.
1. Ba Cơ Quan Chính Phủ Singapore mà Bạn Phải Biết
3 tổ chức chính phủ sau là các tổ chức mà bạn sẽ làm việc thường xuyên trong quá trình điều hành doanh nghiệp tại Singapore:
1.1. Cơ Quan Quản Lý Doanh Nghiệp và Kế Toán (ACRA)
ACRA là gì? ACRA (Accounting and Corporate Regulatory Authority) là cơ quan quốc gia quản lý về doanh nghiệp, kế toán công chứng (public accountant) và các nhà cung cấp dịch vụ thành lập công ty tại Singapore. ACRA được thành lập từ năm 2004 với sự hợp nhất của Cơ quan đăng ký doanh nghiệp (RCB) và Hội đồng kế toán công chứng (PAB).
Nhiệm vụ chính của ACRA là gì? ACRA Singapore chịu trách nhiệm cho việc thành lập công ty cũng như quản lý kho hồ sơ về doanh nghiệp, kế toán công chứng và các nhà cung cấp dịch vụ tại quốc gia này. Ngoài ra, ACRA cũng phụ trách việc cập nhật và thông báo những sự thay đổi về doanh nghiệp, yêu cầu pháp lý và các vấn đề liên quan khác. Nói cách khác, ACRA tại Singapore là một nguồn tin đáng tin cậy từ chính phủ.
Thực tế, ACRA là một trong những cơ quan chính phủ Singapore mà chắc chắn bạn sẽ phải làm việc thường xuyên, bởi vì doanh nghiệp của bạn sẽ phải nộp báo cáo thường niên đến cơ quan này mỗi năm. Không những vậy, mọi thay đổi liên quan đến doanh nghiệp của bạn đều phải được thông báo ngay lập tức đến ACRA trong thời gian quy định.
Và để có thể cập nhật được các tin tức mới nhất về các yêu cầu pháp lý, bạn cũng nên thường xuyên ghé thăm website của ACRA. Thông thường, thư ký công ty sẽ là người đại diện doanh nghiệp để làm việc trực tiếp với cơ quan này.
1.2. Cơ Quan Thu Nội Địa Singapore (IRAS)
IRAS (Inland Revenue Authority of Singapore) là cơ quan thuế tại Singapore và phụ trách việc quản lý thuế tại nước này. Website của IRAS đưa ra những quy định cũng như hướng dẫn thực tiễn về nhiều loại thuế khác nhau, bao gồm:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Thuế thu nhập cá nhân;
- Thuế hàng hóa và dịch vụ;
- Thuế bất động sản;
- Các loại thuế khác.
Không những vậy, cơ quan thuế IRAS còn ban hành nhiều dịch vụ điện tử thông qua cổng myTax Portal cho phép doanh nghiệp của bạn quản lý và thanh toán nhiều loại thuế một cách thuận tiện và dễ dàng hơn.
Nhìn chung thì mỗi năm, doanh nghiệp của bạn đều phải báo cáo thu nhập ước tính chịu thuế và báo cáo thuế thường niên với IRAS Singapore. Ngoài ra, cơ quan thuế nội địa IRAS cũng phụ trách nhiều chương trình ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp thành lập tại Singapore. Job Support Scheme và Wage Credit Scheme là hai ví dụ hàng đầu về các chương trình hỗ trợ nhiều doanh nghiệp vượt qua tình hình đại dịch Covid-19 trong năm 2020.
1.3. Bộ Nhân Lực Singapore (MOM)
MOM Singapore (Ministry of Manpower of Singapore) là cơ quan chính phủ quản lý về tất cả vấn đề tuyển dụng tại Quốc đảo sư tử. Tổ chức này không chỉ ban hành các quy định và chủ trương tuyển dụng (dựa trên bộ luật lao động) mà còn chịu trách nhiệm toàn bộ cho việc ban hành thị thực cho người nước ngoài, bao gồm:
- Employment Pass (thích hợp khi bạn là giám đốc hoặc nhà điều hành người nước ngoài);
- Entre Pass (thích hợp khi bạn là doanh nhân muốn thành lập công ty tại Singapore);
- Các thị thực khác (cho mục đích ngắn hạn, thực tập sinh và thành viên gia đình).
2. Ba Cơ Quan Chính Phủ mà Bạn Cần Biết
Trong suốt quá trình hoạt động tại Singapore, sẽ có lúc doanh nghiệp của bạn cần sự giúp đỡ từ nguồn lực bên ngoài. Việc biết đến các cơ quan chính phủ sau sẽ cực kỳ hữu ích vì các cơ quan này quản lý rất nhiều các chương trình ưu đãi dành cho nhiều đối tượng doanh nghiệp tại Singapore.
2.1. Ban Phát Triển Kinh Tế Singapore (EDB)
EDB (Economic Development Board) là cơ quan chính phủ đảm nhiệm việc lên kế hoạch và triển khai các chiến lược quốc gia nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Singapore. EDB quản lý một chuỗi các lĩnh vực quan trọng tại nước này, các lĩnh vực này chiếm hơn một phần ba tổng chỉ số GDP thường niên của Singapore.
Tại sao bạn cần phải biết đến cơ quan này? Bởi vì EBD cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan về khu vực bằng cách cung cấp nhiều thông tin và số liệu chi tiết về đa dạng các lĩnh vực, đặc biệt là các ngành nghề thuộc sản xuất tiên tiến và sáng tạo công nghệ. Để biết về các thông tin này, bạn có thể tham thảo website của EBD.
Quan trọng hơn cả, Ban phát triển kinh tế quản lý nhiều chương trình ưu đãi cho nhiều lĩnh vực cụ thể tại Singapore. Những ưu đãi đến tay bạn dưới nhiều hình thức, từ hỗ trợ tài chính (cho việc nghiên cứu, đào tạo và tăng trưởng hiệu suất) cho đến ưu đãi về thuế (cho các hoạt động kinh doanh được ưu tiên).
Ngoài ra, EBD còn sở hữu mạng lưới đối tác lớn mạnh (bao gồm các cơ quan chính phủ khác và các công ty tư nhân). Đây là các đối tác mà bạn có thể tìm kiếm nguồn tài trợ để mở rộng dự án đầu tư tại Singapore.
Cuối cùng, bạn có thể truy cập vào chương trình Nhà đầu tư toàn cầu (GIP) của EDB để nộp đơn đăng ký cho trạng thái thường trú nhân Singapore. Nếu bạn có kế hoạch trở thành thường trú nhân tại nước này, hãy tham khảo thêm bài viết về Cách thức đăng ký thường trú nhân tại Singapore.
2.2. Enterprise Singapore
Enterprise Singapore được thành lập vào năm 2018 với sự hợp nhất của International Enterprise Singapore và STRING. Nhiệm vụ của cơ quan chính phủ này gắn liền với việc nâng cao và phát triển doanh nghiệp bằng cách cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính (ưu đãi thuế, khoản vay và bảo hiểm) và các chương trình hỗ trợ phi tài chính khác (bộ công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển nhân tài, vân vân).
Với chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm, Enterprise Singapore đồng hành với các công ty để xây dựng và nâng cao hiệu suất, tính sáng tạo và tính quốc tế của các doanh nghiệp này.
Enterprise Singapore còn đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng các công ty khởi nghiệp tại Singapore. Hệ thống chương trình Startup SG là một ví dụ cụ thể, nó bao gồm 9 chương trình phụ hỗ trợ nhiều khía cạnh của một tổ chức khởi nghiệp, đặc biệt là ở các lĩnh vực công nghệ và sáng tạo.
2.3. Cơ Quan Tiền Tệ Singapore (MAS)
MAS (Monetary Authority of Singapore) là ngân hàng trung ương tại Singapore. Đây cũng là cơ quan quốc gia quản lý về lĩnh vực tài chính tổng thể với sứ mệnh nâng cao vị thế của Singapore trong vai trò là một trung tâm tài chính quốc tế. Cụ thể, MAS giám sát tất cả các tổ chức tài chính tại Quốc đảo sư tử, bao gồm ngân hàng, tổ chức bảo hiểm, tổ chức trung gian về vốn, tư vấn tài chính và sàn chứng khoán.
Với tư cách một cơ quan quản lý, MAS ban hành nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công nghệ tài chính và nghiên cứu sáng tạo. Một số ví dụ tiêu biểu đối với chương trình ưu đãi cho các công ty công nghệ tài chính như MAS FSTI Proof-of-Concept Scheme, MAS FSTI Innovation Centre Grant và MAS Grant for Equity Market Singapore (GEMS). Thông tin bạn có thể tham khảo thêm tại website của MAS.
3. Danh Sách Các Cơ Quan Chính Phủ Khác
Nếu lĩnh vực kinh doanh của bạn thuộc sự quản lý của các cơ quan chính phủ, bạn cũng nên biết đến các tổ chức chính phủ đó để đăng ký xin giấy phép cần thiết để thực hiện các hoạt động kinh doanh mong muốn. Các cơ quan chính phủ Singapore mà bạn có thể sẽ cần biết đến như:
- Ban kỹ sư (PEB);
- Cơ quan sức khỏe khoa học;
- Ban giấy phép về khách sạn;
- Ban du lịch Singapore;
- Cơ quan môi trường quốc gia;
- Cơ quan quản lý bất động sản;
- Cơ quan phát triển truyền thông Singapore;
- Bộ giáo dục;
Để biết cơ quan nào chịu trách nhiệm cho lĩnh vực nào và giấy phép nào, bạn có thể tham khảo tại bài viết của BBIncorp về Giấy phép kinh doanh theo lĩnh vực tại Singapore.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến các cơ quan chính phủ Singapore, hãy nhắn tin với các chuyên gia của chúng tôi ngay! BBCIncorp luôn sẵn sàng giúp đỡ!
Chia sẻ bài viết này