Thị thực làm việc Employment Pass tại Singapore là điều kiện bắt buộc đối với các chuyên gia người nước ngoài, những người quyết định chuyển đến Quốc đảo Sư tử để xây dựng sự nghiệp của họ.
Có được tấm vé thông hành này, cùng với sự am hiểu về các quy định và chính sách hỗ trợ khác từ chính phủ, họ có thể dễ dàng sử dụng chuyên môn của mình để tham gia làm việc tại Singapore.
Bài viết này sẽ tập trung vào các vấn đề xoay quanh những gì một chuyên gia nước ngoài cần biết về hình thức thị thị thực làm việc Employment Pass (EP) tại Singapore.
1. Employment Pass là gì?
EP là loại thị thực lao động phù hợp cho các nhà quản lý, giám đốc điều hành và chuyên gia người nước ngoài. Chương trình thị thực này được tạo ra để thu hút những người lao động có chuyên môn cao trên toàn cầu chuyển đến Singapore sinh sống, làm việc và lấp đầy khoảng trống trong lực lượng lao động của họ.
Singapore có một cách tiếp cận mở đối với thị thực EP: người dân thuộc mọi quốc tịch được phép nộp đơn đăng kí loại thị thực này, trừ các quốc tịch bị cấm. Các quốc gia thuộc danh sách đen sẽ bị cấm đăng kí toàn bộ các loại thị thực của Singapore, không riêng gì EP.
Có thể nói rằng việc giữ hình thức thị thực làm việc này khiến bạn trở thành đối tượng cư trú tạm thời ở Singapore: bạn có thể làm việc, sinh sống và tự do ra vào Singapore.
Tùy thuộc vào nhiều yếu tố, thị thực EP có thể có hiệu lực từ 1 đến 2 năm. Và bạn được phép gia hạn khi thị thực hết hạn. Đối với thời điểm đăng kí đầu tiên, thời hạn hiệu lực chỉ kéo dài tối đa 2 năm, và sẽ kéo dài đến 3 năm cho các lần gia hạn tiếp theo.
Lưu ý rằng người sử dụng lao động, tức công ty thuê bạn làm việc, sẽ chịu trách nhiệm cho tất cả mọi thứ liên quan đến công việc của bạn ở Singapore, từ việc xin thị thực lao động cho đến báo cáo mọi thay đổi về tình trạng cư trú của bạn.
Nếu bạn thành lập công ty tại Singapore và muốn trực tiếp quản lý công ty tại nước này, thì Employment Pass là giải pháp cho bạn. Với Employment Pass, bạn có thể di chuyển đến Singapore và làm việc với cương vị giám đốc cho chính công ty của mình. Lúc đó, bạn có thể trở thành giám đốc duy nhất của công ty, nghĩa là không cần phải bổ nhiệm giám đốc chỉ định nữa.
Một điều quan trọng nữa, có được thị thực làm việc EP là một trong nhiều yếu tố chính giúp bạn trở thành thường trú nhân tại Singapore.
2. Điều kiện đăng kí thị thực làm việc EP là gì?
Trước hết, bạn nên dành thời gian để tự đánh giá xem mình có thể đáp ứng các tiêu chí sau đây:
- Bạn có bằng cấp chuyên môn hoặc kinh nghiệm làm việc phù hợp –vd: bằng đại học với chuyên ngành phù hợp tại một tổ chức giáo dục có uy tín.
- Bạn được thuê cho những công việc đòi hỏi chuyên môn tay nghề cao ở Singapore
- Bạn được thuê làm việc tại một trong các vị trí như quản lý, giám đốc điều hành hoặc chuyên gia
- Mức lương cố định hàng tháng của bạn tối thiểu là 4.500 đô la Singapore và cao hơn tương ứng với vị trí công việc và tay nghề của bạn.
Đây là tất cả các yêu cầu chính để đủ điều kiện nộp đơn xin thị thực EP tại Singapore. Nếu bạn có thể đáp ứng các yêu cầu trên, xác suất cao hồ sơ của bạn sẽ được chấp thuận.
3. Làm thế nào để đăng kí xin thị thực EP tại Singapore?
Quá trình này có thể được tóm tắt theo thứ tự như sau: (1) nộp đơn, (2) nhận được thư chấp thuận, (3) cấp thị thực và (4) nhận thị thực.
Để bắt đầu, bạn cần chuẩn bị các tài liệu sau:
- Văn bản đồng ý nộp đơn xin thị thực thay mặt ứng viên
- Mẫu đơn đăng kí thị thực được tải xuống từ trang web của Bộ Nhân Lực Singapore (MOM)
- Trang thông tin cá nhân trên hộ chiếu và ảnh cỡ hộ chiếu của bạn
- Sơ yếu lý lịch và / hoặc CV của bạn nêu rõ lịch sử làm việc trước đây và nền tảng chuyên môn của bạn
- Bằng cấp chuyên môn
- Thư giới thiệu từ nhà tuyển dụng trước, trong đó đánh giá năng lực và trình độ của bạn
- Mô tả chi tiết về công việc và công ty thuê bạn làm việc
- Hồ sơ doanh nghiệp hoặc thông tin công ty dưới dạng “instant information” được chứng nhận bởi Cơ quan quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA)
Đây không phải là danh sách đầy đủ. Tùy thuộc vào chuyên môn và ngành nghề, bạn sẽ được yêu cầu xuất trình thêm các tài liệu và bằng chứng để củng cố tính hợp lệ của hồ sơ đăng kí thị thực.
Sau khi chuẩn bị tất cả các tài liệu cần thiết này, bạn có thể yêu cầu nhà tuyển dụng của bạn nộp đơn thay mặt bạn.
Cách thức đăng kí thị thực EP
Cũng giống như các loại thị thực khác ở Singapore, bạn có 2 cách để đăng ký: trực tuyến bằng cách đăng nhập vào cổng EP của chính phủ hoặc thủ công bằng cách gửi hồ sơ qua Singpost.
Cho dù bạn chọn hình thức nào, trước tiên bạn cần nộp thư đồng ý chấp nhận công việc đề xuất bởi công ty tuyển dụng.
– Đăng ký trực tuyến: Bạn nên xem xét việc gửi hồ sơ trực tuyến nếu bạn chắc chắn mình là một ứng viên tiềm năng, nghĩa là bạn có bằng cấp từ một trường đại học danh tiếng hoặc có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn của bạn. Ngoài ra, điều kiện tiên quyết để áp dụng cách này là công ty tuyển dụng của bạn phải được đăng ký tại Singapore và có tài khoản CorpPass, đây là chìa khóa cho việc đăng kí trên cổng thông tin trực tuyến EP.
3 tuần sau khi nộp, nhà tuyển dụng của bạn nên chủ động truy cập lại trang web của MOM để xem liệu hồ sơ của bạn đã được chấp nhận hay chưa.
Nhà tuyển dụng sẽ bị tính phí 105 đô la Sing cho mỗi đơn đăng ký thị thực.
– Đăng kí thủ công: Tuy nhiên, đối với các ứng viên không tự tin về nền tảng học thuật hay kinh nghiệm chuyên môn thực tế của mình, cách tốt nhất là nên đến trực tiếp Singapore để nộp hồ sơ.
Đơn giản là vì ưu điểm của đăng kí thủ công là bạn có thể thể hiện một cách phong phú chuyên môn và khả năng của mình bằng cách đính kèm thêm các tài liệu bổ sung, từ đó củng cố tính hợp lệ của hồ sơ đăng kí thị thực. Việc này khó có thể làm được đối với hình thức đăng ký trực tuyến bởi giới hạn trong việc khai báo thông tin theo các form mẫu quy định.
Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng nước ngoài không có địa chỉ đăng ký tại Singapore phải nhờ một nhà tài trợ địa phương nộp đơn xin bằng cách thủ công thay mặt họ.
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, sẽ mất khoảng 8 tuần cho đến khi MOM đi đến kết luận cuối cùng và đưa ra thông báo chính thức.
Giống như đăng ký trực tuyến, một khoản phí 105 đô la Sing sẽ được tính cho mỗi hồ sơ đăng kí thị thực.
Trong trường hợp đơn đăng ký của bạn bị từ chối, bạn nên cân nhắc nộp đơn kháng cáo lên MOM yêu cầu xem xét lại.
Nhận thư chấp thuận
Sau khi nhận được thư chấp thuận từ MOM, công ty tuyển dụng cần in thư chấp thuận này, trong đó có bao gồm visa nhập cảnh một lần vào Singapore có thời hạn trong 6 tháng.
Cấp thị thực
Khi bạn có mặt tại Singapore, nhà tuyển dụng của bạn có thể đăng nhập vào cổng EP Online và gửi các tài liệu bổ sung để được cấp thẻ.
Tại thời điểm này, công ty tuyển dụng bạn sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân của bạn bao gồm NRIC, FIN hoặc số hộ chiếu, số điện thoại di động và địa chỉ email. Địa chỉ ở Singapore cũng sẽ được yêu cầu để trả kết quả của việc cấp thị thực.
Khi phát hành thị thực EP, công ty tuyển dụng sẽ gửi cho bạn một lá thư thông báo. Với thư thông báo này, bạn chính thức được chấp thuận làm việc tại Singapore và tự do ra vào quốc gia này.
Ngoài ra, thư thông báo sẽ cung cấp thông tin về việc bạn có cần đăng ký dấu vân tay và ảnh của mình hay không, và việc này phải được thực hiện trong vòng 2 tuần sau khi nhận được thư. Thông thường, các ứng viên đăng kí lần đầu và những người đã đăng ký trên 5 năm sẽ phải tuân theo yêu cầu này.
Nhận thị thực
Sau đó, thị thực EP sẽ được gửi đến địa chỉ mà công ty tuyển dụng bạn đã khai báo trong đơn đăng ký. Ít nhất 1 ngày làm việc trước khi thị thực được gửi đến, bạn sẽ được thông báo qua số điện thoại hoặc địa chỉ email đăng kí.
Trong thời gian hiệu lực của thị thực, bạn nên thông báo cho MOM về bất kỳ thay đổi nào đối với việc thay đổi giấy tờ liên quan đến tình trạng cá nhân, tình trạng lao động hay cư trú của bạn tại Singapore. Mặc dù vậy, công ty tuyển dụng bạn là người chịu trách nhiệm chính thay mặt bạn làm việc này.
4. Làm cách nào để gia hạn thị thực làm việc EP?
Thị thực làm việc EP có thời hạn hiệu lực từ 1 đến 2 năm sau khi được chấp thuận. Sau thời điểm này, thời hạn hiệu lực cho các lần gia hạn sau là 3 năm cho mỗi lần gia hạn. Điều quan trọng là không có cách nào khác để đảm bảo việc gia hạn được chấp thuận ngoài việc bạn chứng minh được mình đáp ứng các tiêu chí liên quan của việc gia hạn thị thực.
Như chúng tôi đã đề cập nhiều lần, người tuyển dụng bạn sẽ đóng vai trò trung gian thay mặt bạn trong suốt thời gian làm việc tại Singapore, và do vậy công ty tuyển dụng bạn cũng sẽ là người chịu trách nhiệm gia hạn thị thực khi phát sinh nhu cầu.
Thị thực có thể được gia hạn trực tuyến thông qua cổng EP hoặc thủ công thông qua đường bưu điện (SingPost).
Nếu bạn đăng ký thông qua cổng EP Online, bạn có thể gia hạn thị thực trong vòng 6 tháng trước thời điểm hết hiệu lực. Khoảng thời gian này sẽ giảm xuống chỉ còn 3 tháng nếu bạn chọn cách gia hạn thông qua đường bưu điện. Và sẽ không có thời gian ân hạn, do đó, việc không gia hạn trong khoảng thời gian này sẽ khiến bạn phải đăng kí mới lại từ đầu thay vì gia hạn thị thực cũ.
5. Người giữ thị thực làm việc EP có thể nộp đơn đăng kí thường trú nhân (Permanent Resident) tại Singapore không?
Người giữ thị thực làm việc EP đủ điều kiện đăng kí thường trú nhân tại Singapore.
Để đăng kí thường trú nhân, bạn sẽ cần nộp đơn cho Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh (Immigration and Checkpoint Authority) – cơ quan chịu trách nhiệm đánh giá điều kiện của bạn, sau ít nhất 6 tháng kể từ khi được cấp thị thực làm việc EP.
6. Làm thế nào các thành viên trong gia đình của người giữ thị thực làm việc đến sinh sống cùng họ tại Singapore?
Thị thực làm việc EP cho phép bạn đoàn tụ với các thành viên gia đình ở Singapore miễn là bạn có thể đáp ứng tất cả các điều kiện cần thiết, một trong số đó là bạn phải kiếm được ít nhất 6.000 đô la Sing mỗi tháng.
Nếu người phối ngẫu đã kết hôn hợp pháp của bạn hoặc con đẻ/ con nuôi hợp pháp chưa kết hôn và dưới 21 tuổi muốn di chuyển cùng bạn tới Singapore, bạn có thể thay mặt họ đăng ký thị thực cho người phụ thuộc (Dependant’s Pass).
Những người phụ thuộc khác, chẳng hạn như vợ / chồng ngoài hôn thú, con cái tàn tật chưa kết hôn và trên 21 tuổi, con riêng chưa lập gia đình dưới 21 tuổi và cha mẹ bạn nằm ngoài đối tượng đăng kí thị thực phụ thuộc Dependant’s Pass. Thay vào đó, họ có thể đăng kí hình thức thị thực Long-term Visit Pass. Loại thị thực này đi kèm theo những yêu cầu khác, chẳng hạn như mức lương tối thiểu 12.000 đô la Sing để mang theo cha mẹ bạn.
Bạn được phép nộp đơn đăng kí thị thực cho người phụ thuộc ngay tại thời điểm đăng kí thị thực làm việc. Bằng cách này, bạn sẽ được thông báo đồng thời về kết quả của tất cả các hồ sơ đăng kí thị thực.
7. Personalized Employment Pass là gì?
Tại một số thời điểm trong thời gian làm việc tại Singapore, bạn có thể muốn chấm dứt hợp đồng lao động với công ty hiện tại, và bắt đầu công việc mới với những nhà tuyển dụng khác. Nếu đây là trường hợp, nâng cấp thị thực làm việc EP lên Personalized Employment Pass (PEP) là một lựa chọn đáng cân nhắc.
PEP mang lại tính linh hoạt cao khi cho phép chuyển đổi công việc mà không phải nộp đơn đăng kí thị thực mới hoàn toàn khi bạn đổi công ty như trường hợp của EP.
Để chuyển đổi từ EP lên PEP, bạn cần phải chứng minh mức lương ít nhất là 12.000 đô la Sing mỗi tháng và 144.000 đô la Sing mỗi năm để đủ điều kiện chuyển đổi. Ngoài ra, người giữ PEP có nghĩa vụ thông báo và cập nhật mọi thay đổi về tình trạng việc làm của mình.
> Nếu bạn không thỏa các điều kiện để đăng ký Employment Pass tại Singapore, hãy tham khảo các loại hình thị thực lao động khác tại đây.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến thị thực lao động EP ở Singapore, hãy nói chuyện với các chuyên gia tư vấn của chúng tôi bằng cách gửi tin nhắn trực tiếp hoặc gửi email qua service@bbcincorp.sg
Chia sẻ bài viết này