Công ty thương mại xuất nhập khẩu tại Singapore là loại doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa với nhiều mục đích khác nhau. Tuy loại hình này ở Singapore thành lập không khó nhưng sẽ tốn thời gian hơn bởi vì công ty cần có một số giấy phép chuyên ngành trước khi bước vào hoạt động.
BBCIncorp sẽ hướng dẫn bạn quy trình chi tiết cách đăng ký công ty thương mại xuất nhập khẩu tại Singapore cùng với những khía cạnh cần thiết khác về cách thức hoạt động của loại hình này.
1. Lý Do Thành Lập Công Ty Thương Mại Xuất Nhập Khẩu tại Singapore
Singapore đặc biệt có những điều kiện thuận lợi cho loại hình doanh nghiệp này:
- Vị trí chiến lược: Singapore nằm giữa Châu Á, là cầu nối giữa phương Tây và phương Đông. Quốc đảo Sư tử là một mắt xích quan trọng trong giao thương quốc tế.
- Cơ sở hạ tầng hiện đại: Singapore có những cảng tấp nập nhất thế giới nhờ vào hệ thống vận chuyển tuyệt vời. Có hơn 80 hãng hàng không quốc tế kết nối Singapore với hơn 180 thành phố, và hơn 200 hãng tàu kết nối Singapore với hơn 600 cảng quốc tế. Changi Airport, một trong những sân bay của Singapore, được vinh danh là sân bay tốt nhất thế giới trong nhiều năm liền.
- Trung tâm thương mại hàng hóa: Singapore thu hút nhiều công ty thương mại xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới và chiếm phần lớn tỷ lệ hàng hóa giao thương tại Châu Á.
Ngoài ra, còn nhiều các lý do khác mà bạn nên thành lập công ty thương mại của mình tại Singapore, như là hệ thống thuế ưu đãi, lực lượng lao động lành nghề, môi trường kinh doanh thân thiện với doanh nghiệp. Thông tin chi tiết có thể được tham khảo tại bài viết Tại sao nên thành lập công ty tại Singapore
2. Quy Trình Thành Lập Công Ty Thương Mại Xuất Nhập Khẩu tại Singapore
Quy trình gồm các giai đoạn sau đây:
2.1. Đăng Ký Kinh Doanh
Quy trình đăng ký của loại hình này khá giống với quy trình đăng ký cho các loại hình công ty khác tại Singapore, bao gồm hai bước:
- Chọn loại hình công ty, phổ biến nhất là công ty trách nhiệm hữu hạn tư nhân.
- Đăng ký thông qua cổng trực tuyến BizFile+ sau khi tên doanh nghiệp đã được chấp thuận.
Để xem thông tin chi tiết về quá trình thành lập công ty, bạn có thể tham khảo bài viết Quy trình thành lập một công ty tại Singapore.
2.2. Kích Hoạt Tài Khoản Hải Quan
Tiếp theo, công ty của bạn cần kích hoạt tài khoản hải quan bằng cách đăng ký với Cục Hải Quan Singapore (Singapore Customs). Tài khoản hải quan sẽ cho phép bạn đăng ký các loại giấy phép xuất nhập khẩu cần thiết. Để đăng ký, bạn cần chuẩn bị các hồ sơ sau:
- Thông tin doanh nghiệp với mã số kinh doanh (UEN)
- Thông tin của hai người phụ trách (chính và phụ) sẽ nhận các thông báo và công văn từ phía Cục hải quan Singapore
- Các loại giấy tờ bổ sung khác (nếu được yêu cầu)
Việc đăng ký kích hoạt tài khoản sẽ mất khoảng 15 phút và quá trình xét duyệt sẽ diễn ra trong vòng 3 ngày kể từ khi nhận đầy đủ các loại giấy tờ bổ sung. Trong trường hợp không cần bổ sung thêm các loại giấy tờ khác, kết quả xét duyệt sẽ được gửi đến người phụ trách chính trong vòng 4 giờ đồng hồ kể từ khi nộp đơn.
2.3. Đăng Ký Các Loại Giấy Phép Cần Thiết
Theo quy định, công ty của bạn cần phải sở hữu một số loại giấy phép trước khi tiến hành các hoạt động xuất nhập khẩu:
Giấy phép cho xuất nhập khẩu tất cả loại hàng hóa
- Với nhập khẩu, bạn cần sở hữu IN Permit thông qua hệ thống TradeNet trước khi nhập khẩu hàng hóa vào Singapore
- Với xuất khẩu, bạn cần sở hữu OUT Permit thông qua hệ thống TradeNet trong các trường hợp sau:
- Trước khi xuất khẩu các loại hàng hóa bị kiểm soát (controlled goods)
- Trước khi xuất khẩu hàng hóa bằng đường sắt hoặc đường bộ
- Trong vòng 3 ngày kể từ khi xuất khẩu các loại hàng hóa thông thường
- Trong vòng 3 ngày kể từ khi xuất khẩu hàng hóa bằng đường biển hoặc hàng không
Giấy phép cho xuất nhập khẩu hàng hóa bị kiểm soát (controlled goods)
Có nhiều hàng hóa sẽ được liệt kê vào danh sách kiểm soát, như một số loại đồ ăn, thuốc, hoặc các sản phẩm thuốc lá. Để có thể vận chuyển các loại mặt hàng này, công ty của bạn cần đăng ký giấy phép với các cơ quan liên quan tại Singapore. Để biết chắc hàng hóa nào thuộc danh sách kiểm soát và cơ quan nào chịu trách nhiệm với loại hàng hóa đó, bạn có thể dùng cổng tra cứu HS/CA của Cục hải quan Singapore.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (Certificate of Origin) cho xuất khẩu hàng hóa nội địa
Một số quốc gia khi nhập khẩu có thể yêu cầu bạn xuất trình giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa để xác thực nguồn gốc của hàng hóa. Có hai loại chứng từ:
- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa thông thường (Ordinary Certificate of Origin)
- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế (Preferential Certificate of Origin) nếu hàng xuất khẩu nằm trong phạm vi của các Hiệp định thương mại tự do (Free trade agreement – FTA) hoặc các chương trình ưu đãi khác.
Thông tin chi tiết về chứng từ Certificate of Origin có thể được tham khảo tại đây.
Giấy phép cho xuất khẩu và trung chuyển hàng hóa chiến lược (Strategic goods)
Hàng hóa chiến lược (strategic goods) là các loại mặt hàng và công nghệ được sử dụng để sản xuất vũ khí có tính công phá lớn. Nếu muốn vận chuyển loại hàng hóa này, hãy đảm bảo rằng bạn đã được cấp phép bởi Cục hải quan Singapore (đây là đơn vị chịu trách nhiệm về Điều luật kiểm soát hàng hóa chiến lược).
Các loại chứng từ khác cho nhập khẩu hàng hóa (khi được yêu cầu)
Công ty của bạn cần phải xuất trình Chứng từ nhập khẩu và chứng nhận giao hàng (Import Certificate and Delivery Verification – ICDV) trong các trường hợp sau:
- Hàng hóa nhập khẩu vào Singapore thuộc các loại hàng hóa bị kiểm soát khi xuất khẩu tại quốc gia xuất khẩu (ví dụ như hàng hóa công nghệ tiên tiến), hoặc
- Quốc gia xuất khẩu yêu cầu xuất trình ICDV.
Lưu ý rằng việc đăng ký các loại giấy phép xuất nhập khẩu trên chỉ có thể được thực hiện bởi các đại lý khai báo (Declaring Agents). Bạn có thể chọn một đơn vị được cấp phép để được hỗ trợ hoặc tự đăng ký làm đại lý khai báo, nhưng công ty bạn sẽ phải đáp ứng một số điều kiện nhất định.
2.4. Đăng Ký GIRO
Một điều quan trọng nữa là công ty của bạn phải đăng ký tài khoản thanh toán liên ngân hàng GIRO với Cục hải quan Singapore. GIRO được sử dụng để thanh toán các khoản thuế và chi phí phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu. Các khoản thanh toán sẽ được trừ trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của công ty.
Để đăng ký, bạn chỉ cần điền đơn và gửi đến Cục hải quan. Kết quả sẽ được thông báo qua fax hoặc email trong vòng 3-4 tuần.
3. Các Loại Thuế và Chi Phí Liên Quan
Có hai loại thuế áp dụng với hàng nhập khẩu mà bạn cần chú ý: Thuế hải quan/thuế tiêu thụ nội địa và Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST):
Thuế hải quan và Thuế tiêu thụ nội địa
Thuế tiêu thụ nội địa hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế áp dụng với hàng hóa được sản xuất tại Singapore để xuất khẩu hoặc hàng hóa nhập khẩu vào Singapore. Trong khi đó, thuế hải quan là thuế áp dụng với hàng hóa được nhập khẩu vào Singapore, không bao gồm thuế tiêu thụ nội địa. Chỉ có hàng hóa chịu thuế quan (dutiable goods) mới bị áp thuế hải quan và thuế tiêu thụ nội địa. Hàng hóa chịu thuế bao gồm:
- Thức uống có cồn
- Sản phẩm liên quan đến thuốc lá
- Ô tô các loại
- Các sản phẩm xăng dầu và biodiesel
Các loại thuế trên được tính với tỷ lệ phần trăm dựa trên tổng giá trị của hàng hóa hoặc tỷ lệ cụ thể dựa trên một đơn vị hàng hóa. Để xem danh sách các loại hàng hóa chịu thuế quan cùng tỷ lệ đánh thuế tương ứng, hãy nhấp vào đường dẫn này.
Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST)
Thuế GST được áp dụng ở mức 7% đối với tất cả các hàng hóa nhập khẩu vào Singapore, được tính dựa trên giá trị hàng hóa thông quan hoặc giá mua cuối cùng, cộng với tất cả tiền thuế áp và phí vận chuyển. Một lưu ý quan trọng rằng, trong nhiều trường hợp, công ty nhập khẩu vẫn có thể:
- Hưởng các ưu đãi về thuế quan với Hiệp định thương mại tự do (Free trade agreement)
- Được miễn trừ thuế hải quan và/hoặc thuế GST dưới những chương trình ưu đãi liên quan.
Chi phí Hải quan Ngoài ra, công ty của bạn cũng cần phải đóng một số loại chi phí quản lý khác.
4. Kho Trữ Hàng
Khu thương mại tự do (Free Trade Zone)
Đây là những khu vực được xây dựng tại sân bay hoặc cảng biển Singapore phục vụ cho việc lưu trữ hàng hóa xuất nhập khẩu. Tất cả các loại hàng hóa chịu thuế quan đều có thể được ký gửi ở đây, trừ các loại nước uống có cồn và sản phẩm liên quan đến thuốc lá. Ngược lại, các hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt và đường bộ không thể được lưu trữ tại khu vực này.
Điều đặc biệt là khi hàng hóa nhập khẩu được ký gửi tại các khu thương mại tự do thì thuế hải quan và GST sẽ được tạm hoãn cho đến khi chúng được xuất kho và đi vào vùng lãnh thổ Singapore cho mục đích tiêu dùng nội địa. Ngoài ra đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất thông qua khu thương mại tự do thì công ty của bạn sẽ không phải trả bất kỳ thuế hải quan hay thuế GST nào cả. Điều này đặc biệt có lợi cho dòng tiền của doanh nghiệp.
Kho Hàng được cấp phép (Licensed Warehouse)
Đây là những khu vực lưu trữ hàng hóa chịu thuế quan (bao gồm cả nước uống có cồn và thuốc lá). Khi hàng hóa được ký gửi tại đây, thuế hải quan và GST sẽ được tạm hoãn cho tới khi chúng được xuất kho và đi vào thị trường nội địa. Một kho hàng thông thường có thể được đăng ký để trở thành một kho hàng cấp phép (Licensed warehouse) với chương trình License Warehouse Scheme.
Kho hàng miễn thuế GST tạm thời (Zero GST Warehouses)
Đây là những khu vực lưu trữ hàng hóa thông thường (không phải là hàng hóa chịu thuế quan). Khi hàng hóa được ký gửi tại đây, thuế GST sẽ được tạm hoãn cho tới khi chúng được xuất kho và đi vào thị trường nội địa. Một kho hàng thông thường có thể được đăng ký để trở thành một kho hàng miễn thuế GST tạm thời (Zero GST Warehouses) với chương trình Zero GST Warehouse Scheme.
5. Thông Quan Hàng Hóa Xuất Nhập Khẩu
Xuất khẩu
Với hàng hóa thông thường và hàng hóa vận chuyển theo containe, bạn cần xuất trình hàng hóa cùng với giấy phép xuất khẩu và các loại giấy tờ khác (như là hóa đơn, bảng kê khai hàng hóa, các loại chứng từ vận chuyển) với kiểm soát viên Cục xuất nhập cảnh để kiểm tra xem liệu:
- Hàng hóa có thuộc danh mục kê khai trong giấy phép, hoặc
- Hàng hóa thuộc loại chịu thuế quan (dutiable goods) hoặc bị kiểm soát (controlled goods)
Nhập khẩu
Tương tự, với hàng hóa thông thường và vận chuyển theo container được vận chuyển bằng đường bộ hoặc hàng không, bạn cần xuất trình hàng hóa cùng với giấy phép nhập khẩu và các loại giấy tờ khác (ví dụ như trên), cho kiểm soát viên Cục xuất nhập cảnh. Mặt khác, với hàng hóa vận chuyển theo container bằng đường biển, bạn không bắt buộc phải xuất trình giấy phép với kiểm soát viên tại cửa khẩu.
6. Tài Trợ Hoạt Động Xuất Nhập Khẩu và Quản Lý Rủi Ro
Công ty thương mại xuất nhập khẩu của bạn tại Singapore có thể cân nhắc các biện pháp sau đây trong vấn đề quản lý rủi ro và tài trợ trong hoạt động xuất nhập khẩu:
Thư tín dụng (Letter of Credit)
Biện pháp thông dụng nhất để tránh tình trạng bên mua không thanh toán và bên bán không chuyển hàng là sử dụng Thư tín dụng (LC). Đây là một bản cam kết thanh toán của ngân hàng bên mua (nhập khẩu) với bên bên bán (xuất khẩu) khi được xuất trình đầy đủ bộ chứng từ quy định trong thư tín dụng. Điều này nghĩa là khoản thanh toán sẽ được đảm bảo trước khi hàng được vận chuyển và bên mua có thể trả tiền khi nhận hàng.
Bên cạnh thư tín dụng thông thường, còn một số lựa chọn khác mà bạn có thể cân nhắc như là thư tín dụng giáp lưng (back to back LC), biên nhận tín thác (trust receipt) hoặc thư tín dụng ứng trước (packing credit).
Khoản vay
Ngoài ra, công ty của bạn cũng có thể tìm đến các dịch vụ tín dụng của những ngân hàng Singapore để hỗ trợ tài chính, như là:
- Thấu chi: cho phép bạn chi vượt quá số tiền có trong tài khoản thanh toán
- Hạn mức tín dụng tái tục: cho phép bạn rút tiền từ hạn mức cho vay được cấp và hạn mức này được tự động khôi phục lại miễn là bạn trả hết nợ sau mỗi lần vay
- Khoản vay giao dịch: dùng để tài trợ tài chính cho các đơn hàng đã chốt
- Khoản vay có kỳ hạn: khoản vay với kỳ đáo hạn được xác định trước
- Vay tài trợ hàng tồn kho: các khoản vay được cấp với tài sản thế chấp là hàng hóa tồn kho
- Tài trợ cho các khoản phải thu (Bao thanh toán – factoring): khoản vay dựa trên việc cầm cố các các khoản phải thu của doanh nghiệp.
Bảo hiểm
Bảo hiểm tín dụng thương mại (Trade Credit Insurance – TCI) bảo vệ các công ty thương mại tại Singapore khỏi việc bên mua không chịu thanh toán. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ bảo hiểm tín dụng thương mại (Trade Credit Insurance – TCIS) từ Cơ quan Enterprise Singapore có thể hỗ trợ lên đến 50% số tiền phí bảo hiểm TCI.
Để mua các loại chính sách bảo hiểm TCI, bạn có thể tìm và liên hệ với các đơn vị ủy thác đăng ký loại bảo hiểm này (Singapore-registered TCIS insurer). Các đơn vị này cũng sẽ hướng dẫn bạn cách nộp đơn đăng ký chương trình hỗ trợ TCIS.
7. Các Ý Chính Cần Nhớ
- Quy trình đăng ký công ty thương mại xuất nhập khẩu tại Singapore bao gồm: đăng ký công ty, kích hoạt tài khoản hải quan, đăng ký các loại giấy tờ cần thiết và đăng ký tài khoản thanh toán liên ngân hàng GIRO.
- Với hàng hóa nhập khẩu, sẽ có thuế hải quan và thuế GST.
- Hàng hóa ký gửi tại các khu vực thương mại tự do (Free trade zone), kho hàng cấp phép (licensed warehouse) và kho hàng miễn trừ GST tạm thời (zero GST warehouses) sẽ được tạm hoãn đóng thuế hải quan và thuế GST.
- Để hàng hóa được thông quan, các loại giấy phép cần thiết thường phải được xuất trình cho kiểm soát viên Cục xuất nhập cảnh tại cửa khẩu.
- Thư tín dụng, các khoản vay và bảo hiểm là những biện pháp hữu hiệu để tài trợ tài chính cũng như quản lý rủi ro cho các công ty thương mại tại Singapore.
Hãy tiếp tục tìm hiểu các khía cạnh kinh doanh khác tại Singapore với các bài viết hướng dẫn của BBCIncorp!
Hoặc nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ với chúng tôi ngay! BBCIncorp là nhà cung cấp dịch vụ Thành lập công ty hàng đầu tại Singapore.
Chia sẻ bài viết này