Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần là chìa khóa quan trọng trong việc thúc đẩy đối xử công bằng và bình đẳng trong các vần đề về thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động tại Singapore cũng như cho các doanh nghiệp có giao thương với Singapore. Đây là bằng chứng cho thấy Singapore như một hệ sinh thái thúc đẩy tăng trưởng nổi bật trên thế giới.
Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số điều cần thiết nhất của các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần tại Singapore.
1. Tại sao Singapore phê chuẩn các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần?
Singapore giữ quan điểm rằng đánh thuế hai lần tạo ra một trở ngại lớn cho vị thế kinh tế của quốc gia này cũng như cho thương mại quốc tế. Do đó, để củng cố vị trí của quốc đảo sư tử với tư cách là người thúc đẩy chính của thương mại toàn cầu, một số bước đã được đưa ra trong nỗ lực loại bỏ vấn đề bất bình đẳng về thuế này.
Singapore cho đến nay đã ký kết các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (DTA) với hơn 80 quốc gia. Vì vậy, rất hiếm khi công ty Singapore bị đánh thuế hai lần trên cùng một nguồn thu nhập. Ngoại trừ khi công ty kinh doanh với các quốc gia không nằm trong danh sách các nước kí kết hiệp định với Singapore. Trong những trường hợp như vậy, công ty Singapore hoàn toàn có thể được hưởng các khoản khấu trừ thuế đơn phương từ chính phủ.
Tuy nhiên, chính phủ Singapore vẫn đang nỗ lực hướng tới các thỏa thuận với các quốc gia nằm ngoài danh sách này để tiếp tục mở rộng mạng lưới các hiệp định DTA của họ.
2. Các loại Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần của Singapore
Thông thường có 2 loại DTA mà Singapore đã phê chuẩn: Thỏa thuận toàn diện và hạn chế.
– Thỏa thuận toàn diện: tất cả các loại thu nhập đều được tính đến.
– Thỏa thuận hạn chế: giới hạn trong các loại thu nhập từ vận tải đường biển và / hoặc vận tải hàng không
3. Ai được hưởng lợi từ các DTAs?
Nhìn chung, một DTA sẽ quy định cụ thể về các đối tượng cư trú và loại hình thu nhập đủ điều kiện, sẽ được làm rõ dưới đây.
– Phạm vi áp dụng:
Bạn sẽ được phân loại là đối tượng nằm trong phạm vi của hiệp định nếu bạn là cư dân của một trong các Quốc gia ký kết. Theo luật thuế thu nhập Singapore, chỉ một số đối tượng cư trú nhất định được hưởng lợi từ việc áp dụng hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.
– Các loại thuế tiêu biểu bao gồm trong hiệp định:
Sau đây là danh sách các loại thu nhập chính nằm trong phạm vi của các thỏa thuận DTA điển hình:
- Thu nhập từ bất động sản
- Lợi nhuận kinh doanh
- Vận chuyển đường biển và vận tải hàng không
- Doanh nghiệp liên kết
- Cổ tức
- Tiền lãi vay
- Tiền bản quyền và phí dịch vụ kỹ thuật
- Lợi tức từ chuyển nhượng tài sản
- Dịch vụ cá nhân độc lập
- Dịch vụ cá nhân phụ thuộc
- Tiền lương hưu
- Nguồn thu từ dịch vụ công
- Thu nhập khác
4. Làm thế nào để xác định tình trạng cư trú và “cơ sở thường trú”?
Nếu công ty của bạn thuộc đối tượng cư trú tại Singapore hoặc nước kí kết kia, hoặc cơ sở thường trú của bạn có thể đáp ứng một số điều kiện nhất định, công ty của bạn hoàn toàn có thể hưởng lợi từ DTA.
– Tình trạng cư trú
DTA sẽ áp dụng một quy tắc có tên “tie-breaker” để giúp bạn xác định tình trạng cư trú của mình cho mục đích áp dụng DTA để tránh trường hợp bạn được phân loại là đối tượng cư trú của cả 2 quốc gia kí kết hiệp định trên cơ sở các quy định tương ứng của từng quốc gia.
Trường hợp là cá nhân, để xác định bạn thuộc đối tượng cư trú tại quốc gia kí kết nào, theo Cơ quan thuế của Singapore (IRAS), các quy tắc này sẽ được áp dụng theo thứ tự ưu tiên sau:
- Nơi cá nhân có nhà ở thường trú;
- Nơi cá nhân đó có mối quan hệ cá nhân và kinh tế chặt chẽ hơn;
- Nơi cá nhân ở thường xuyên;
Trong trường đã sử dụng các quy tắc được đề cập ở trên để xác định tình trạng cư trú cho mục đích thuế nhưng không có kết quả, theo đó các cơ quan có thẩm quyền sẽ cùng nhau giải quyết vấn đề bằng thỏa thuận chung.
Đối với trường hợp không phải là cá nhân (chẳng hạn như công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn), đối tượng sẽ được xem là cư trú tại quốc gia kí kết nơi mà các hoạt động điều hành liên quan đến chiến lược hoặc các quyết định thường nhật diễn ra.
– Cơ sở thường trú
Cơ sở thường trú của công ty bạn là địa điểm nơi các hoạt động kinh doanh được thực hiện toàn bộ hoặc một phần. Những địa điểm này có thể là trụ sở điều hành hoặc các chi nhánh, văn phòng, nhà máy của công ty bạn, v.v. Thuật ngữ này được sử dụng chủ yếu để xác định quyền đánh thuế đối với lợi nhuận kinh doanh của một công ty không thường trú.
Ngoài ra, việc một địa điểm được coi là cơ sở thường trú hay không dựa trên mức độ mà một số hoạt động được thực hiện, bao gồm:
- Một địa điểm xây dựng, công trình xây dựng hoặc lắp đặt hoạt động kéo dài hơn một khoảng thời gian qui định trước;
- Các hoạt động giám sát liên quan đến một địa điểm xây dựng, công trình xây dựng hoặc lắp đặt hoạt động kéo dài hơn một khoảng thời gian qui định trước;
- Các dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ tư vấn) được cung cấp bởi một doanh nghiệp thông qua các nhân viên của mình trong một khoảng thời gian xác định;
- Sự hiện diện của một đại lý phụ thuộc có và thường xuyên thực hiện thẩm quyền để đàm phán và ký kết hợp đồng thay mặt cho một doanh nghiệp.
5. Quyền đánh thuế của một quốc gia đối với các loại thu nhập khác nhau
Như đã đề cập ở trên, có hơn một chục loại thu nhập có thể được hưởng lợi từ DTA.
– Thu nhập từ bất động sản thường bị đánh thuế gấp đôi bởi cả hai quốc gia. Nếu bạn thuê bất động sản, nhiều khả năng bạn có thể bị đánh thuế bởi quốc gia nơi phát sinh nguồn thu và quốc gia bạn cư trú. Tuy nhiên, bạn sẽ được cấp một khoản khấu trừ cho khoản thuế đã thanh toán ở quốc gia phát sinh thu nhập.
– Lợi nhuận kinh doanh sẽ không bị đánh thuế ở quốc gia phát sinh nguồn thu với điều kiện là lợi nhuận kinh doanh không được tạo ra từ một cơ sở thường trú ở quốc gia đó. Đối với lợi nhuận tích lũy trực tiếp từ các cơ sở thường trú, các khoản chi phí nhất định có thể được khấu trừ trước khi xác định thu nhập tính thuế tại quốc gia phát sinh nguồn thu.
– Lợi nhuận từ lĩnh vực vận tải đường biển và hàng không thường được miễn toàn bộ hoặc một phần ở nước kí kết nơi phát sinh nguồn thu. Hay nói cách khác, loại thu nhập này thường chỉ chịu thuế tại nước kí kết mà đối tượng thuộc diện cư trú.
– Thu nhập từ cổ tức sẽ phải chịu thuế ở quốc gia cư trú. Và việc có bị đánh thuế tại quốc gia nơi phát sinh thu nhập hay không tùy thuộc vào quy định của quốc gia này. Nhưng bạn có thể yên tâm rằng, trong hầu hết các trường hợp, bạn sẽ được miễn một phần hoặc thậm chí toàn bộ, hoặc chỉ phải chịu mức thuế “mềm” hơn.
– Thu nhập từ tiền lãi cho vay thường được miễn hoặc giảm thuế tại nước kí kết nơi phát sinh thu nhập.
– Thu nhập từ bản quyền có thể bị đánh thuế ở mức thấp hoặc được miễn hoàn toàn tùy thuộc vào các điều khoản của DTA giữa các nước kí kết.
– Thu nhập từ dịch vụ ngành nghề sẽ phải chịu thuế ở nước bạn thuộc đối tượng cư trú. Nếu bạn thực hiện dịch vụ thông qua một cơ sở cố định ở nước kí kết phát sinh nguồn thu, thu nhập của bạn có thể bị đánh thuế ở nước đó. Các dịch vụ ngành nghề bao gồm tất cả những dịch vụ được cung cấp bởi bác sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, kế toán, v.v.
– Thu nhập từ tiền công có thể phải chịu thuế ở nước phát sinh nguồn thu. Tuy nhiên, bạn có thể được miễn trừ với điều kiện (1) bạn không thuộc đối tượng cư trú- vd bạn có mặt tại nước phát sinh thu nhập không quá 183 ngày, (2) chủ lao động của bạn không thuộc đối tượng cư trú tại nước phát sinh thu nhập, hoặc (3) thu nhập từ tiền công không phát sinh tại một cơ sở thường trú của người sử dụng lao động tại nước nơi phát sinh thu nhập. Tùy thuộc vào chính sách của quốc gia này, thu nhập của bạn có thể hoặc không phải chịu thuế.
– Các khoản thanh toán tiền lương cho nhân viên chính phủ làm việc tại nước ngoài hoàn toàn không phải chịu thuế tại nước đó. Những khoản thanh toán này bao gồm tiền lương, tiền công hoặc tiền thưởng tương tự được trả bởi chính phủ của một quốc gia ký kết cho những người cung cấp một số loại dịch vụ ở nước ngoài.
– Thuế đối với lợi nhuận từ chuyển nhượng tài sản có thể khác nhau tùy thuộc vào các quốc gia ký kết và chính sách DTAs của họ. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản là các khoản thu bắt nguồn từ việc bán bất động sản hoặc các tài sản tài chính.
6. Các phương pháp loại trừ việc đánh thuế 2 lần
Có nhiều phương pháp được áp dụng để tránh việc đánh thuế hai lần trên cùng một nguồn thu nhập. Chúng thường được qui định theo luật của mỗi quốc gia kí kết hoặc theo các hiệp định về thuế. Dưới đây là một số biện pháp phổ biến:
– Các khoản khấu trừ thuế
Nếu người nộp thuế bị đánh thuế ở nước ngoài, họ sẽ được cấp một khoản được khấu trừ trực tiếp vào nghĩa vụ thuế tại nước cư trú đánh trên cùng một loại thu nhập. Số tiền được khấu trừ là mức thấp hơn giữa thuế phải trả phát sinh ở nước ngoài và thuế nội địa phải nộp trên cùng nguồn thu.
– Miễn thuế
Thu nhập từ nước ngoài sẽ được miễn thuế tại quốc gia nơi cư trú, một phần hoặc toàn bộ.
7. Một số các phương pháp loại trừ việc đánh thuế 2 lần trong các DTAs mà Singapore là nước kí kết
Thông thường có 2 phương pháp bạn có thể sử dụng theo DTA của Singapore: khấu trừ thuế đối với số thuế đã nộp tại nước ngoài và miễn thuế đối với thu nhập có nguồn gốc nước ngoài.
– Các khoản khấu trừ dựa trên số thuế đã nộp tại nước ngoài
Các khoản thuế đã nộp ở nước ngoài có thể được khấu trừ vào nghĩa vụ thuế ở Singapore trên cùng một loại thu nhập theo qui định của DTA.
Ngoài ra, số tiền thuế phải trả cho thu nhập từ các quốc gia chưa kí kết DTA với Singapore cũng có thể được khấu trừ.
– Miễn thuế thu nhập từ nước ngoài
Luật thuế Singapore quy định một số điều kiện theo đó thu nhập từ nước ngoài có thể được hưởng chính sách miễn thuế hoàn toàn.
Những loại thu nhập đủ điều kiện miễn thuế bao gồm:
- Thu nhập phát sinh từ dịch vụ ngành nghề, tư vấn và các dịch vụ khác được thực hiện ở bất kỳ nơi nào ngoài lãnh thổ Singapore;
- Cổ tức phát sinh từ nước ngoài; hoặc
- Lợi nhuận có được từ chi nhánh ở nước ngoài của một công ty thuộc đối tượng cư trú của Singapore.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến các hiệp định tránh đánh thuế 2 lần ở Singapore hoặc hệ thống thuế tại Singapore, hãy liên hệ với chúng tôi bằng cách gửi tin nhắn hoặc gửi email qua service@bbcincorp.sg
Chia sẻ bài viết này