banner image

Giải Thể Công Ty Tại Singapore

13/04/2020
Cập nhật lần cuối vào 15/09/2023

Quy Trình Giải Thể Công ty tại Singapore

Công ty Singapore khi không còn khả năng trả nợ nữa và muốn đóng cửa hoàn toàn thì công ty buộc phải trải qua quá trình giải thể hay phá sản doanh nghiệp (liquidation hay winding up). Tại Singapore, sẽ có các quy trình giải thể khác nhau cho các trường hợp khác nhau để bạn đóng cửa doanh nghiệp của mình. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn những quy trình giải thể đó là gì, từ đó bạn có thể lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình.

1. Giải Thể Công Ty Là Gì?

Tại Singapore có hai quy trình để đóng cửa một công ty: giải thể (winding up) và hủy bỏ đăng ký kinh doanh (striking off). Bạn cần lưu ý rằng đây là hai quá trình khác nhau rất nhiều về thời gian thực hiện và mức độ phức tạp.

Phân biệt

Về tổng quan thì hủy bỏ đăng ký (striking off) là một quá trình đơn giản và ít tốn kém hơn nhưng chỉ dành cho những công ty thỏa một số điều kiện nhất định. Một trong số đó là công ty đã dừng hoạt động và không có tài sản hoặc nghĩa vụ nợ nào.

Trong khi đó, giải thể (winding up) là quá trình đóng cửa công ty chủ yếu vì nợ. Cụ thể trong quá trình giải thể, tài sản doanh nghiệp sẽ được thống kê và thanh lý để trả cho chủ nợ. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ nợ, nếu giá trị quy đổi từ tài sản còn dư, thì sẽ được chia cho các cổ đông của công ty. Kết quả cuối cùng là doanh nghiệp bị giải thể.

Những trường hợp giải thể công ty

Lý do phổ biến nhất khiến cho một công ty bị giải thể chính là không còn khả năng trả nợ.

Khi một công ty không còn khả năng chi trả cho các chủ nợ nữa, hay nói đơn giản là phá sản, thì trước khi đóng cửa hoàn toàn, công ty bắt buộc phải trải qua quá trình giải thể. Có hai hình thức giải thể là tự nguyện bởi chủ nợ, và bắt buộc bởi Tòa án.

Tuy nhiên, một công ty còn khả năng trả nợ do giá trị tài sản vẫn đảm bảo nhiều hơn nghĩa vụ nợ, vẫn có thể lựa chọn cách giải thể công ty. Hình thức duy nhất có thể áp dụng trong trường hợp này là giải thể tự nguyện bởi các thành viên công ty.

2. Quy Trình Giải Thể Công Ty tại Singapore

Tóm lại, có 3 loại hình giải thể theo quy định của luật pháp Singapore:

  • Những công ty vẫn có khả năng trả nợ nhưng quyết định đóng cửa công ty có thể “tự nguyện giải thể bởi các thành viên công ty”
  • Những công ty phá sản hoặc không còn khả năng trả nợ có thể:
    • “Tự nguyện giải thể bởi chủ nợ” hoặc
    • Bị “Bắt buộc giải thể bởi lệnh của Tòa án”

Bên dưới sẽ là quy trình tổng quan dành cho từng loại hình giải thể:

2.1. Công Ty Còn Khả Năng Trả Nợ (Tự Nguyện Giải Thể Bởi Các Thành Viên)

Để tiến hành giải thể, các công ty này phải đảm bảo khả năng chi trả cho các chủ nợ đầy đủ trong vòng 12 tháng kể từ khi quá trình giải thể bắt đầu.

2.1.1. Lý do giải thể

Các giám đốc công ty có thể quyết định giải thể công ty mặc dù vẫn còn khả năng trả nợ với nhiều lý do, như là:

  • Không đảm bảo đủ lợi nhuận từ việc kinh doanh trong tương lai
  • Công ty đã dừng các hoạt động kinh doanh
  • Mâu thuẫn không thể giải quyết giữa các cổ đông với nhau
  • Công ty là là công ty “ngủ đông”/không hoạt động (dormant company) và chủ sở hữu muốn đóng cửa nó hoàn toàn

2.1.2. Quy trình tự nguyện giải thể bởi các thành viên công ty

Theo Chương 3 của Luật Doanh Nghiệp tại Singapore, quy trình có thể được mô tả như sau:

Giai đoạn 1: Tuyên Bố Khả Năng Hoàn Thành Nghĩa Vụ Nợ

Các giám đốc của công ty phải gửi đến Cơ Quan Quản Lý Doanh Nghiệp Và Kế Toán (ACRA) một tuyên bố về khả năng chi trả nợ, nêu rõ rằng:

  • Tất cả các khía cạnh của doanh nghiệp đã được xem xét, và
  • Tại cuộc họp, ban giám đốc công ty thống nhất ý kiến rằng công ty hoàn toàn đủ khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ trong vòng 12 tháng ngay sau khi công ty giải thể. Người đưa ra tuyên bố trên nhưng thiếu các cơ sở chứng minh có thể bị phạt số tiền lên đến 5.000 SGD hoặc 12 tháng tù giam hoặc cả hai.

Ngoài đơn tuyên bố, một bản báo cáo của công ty cũng phải được gửi kèm, trong đó kê khai:

  • Tổng tài sản trong công ty và giá trị quy đổi thành tiền dự kiến của các tài sản đó;
  • Nghĩa vụ nợ của công ty;
  • Tổng chi phí ước lượng cho quá trình giải thể công ty.

Giai đoạn 2: Thông Qua Nghị Quyết Giải Thể Công Ty

Sau đó, văn bản thông báo về Đại hội cổ đông bất thường (Extraordinary General Meeting) phải được gửi đến các thành viên và phải được tổ chức trong vòng 5 tuần kể từ ngày tuyên bố khả năng hoàn thành các nghĩa vụ nợ được gửi đến ACRA. Trong cuộc họp cổ đông, nghị quyết về việc giải thể công ty sẽ được đề xuất và phải được chấp thuận bởi tối thiểu 75% phiếu bầu của tất cả các thành viên.

Trong trường hợp nghị quyết được thông qua, công ty phải:

  • Gửi đến ACRA bản copy của nghị quyết trong vòng 7 ngày; và
  • Gửi thông cáo báo chí về nghị quyết giải thể công ty đã được thông qua đến ít nhất một tòa soạn báo Singapore trong vòng 10 ngày.

Giai đoạn 3: Bổ Nhiệm Người Thanh Lý Tài Sản (Quản Tài Viên*)

Theo Phụ lục 2 của Chương 3 trong Luật Doanh Nghiệp quy định về những điều khoản chỉ áp dụng cho quy trình giải thể tự nguyện bởi các thành viên công ty thì doanh nghiệp bắt buộc phải bổ nhiệm ít nhất một quản tài viên để thực hiện quy trình thanh lý công ty và phân chia tài sản.

*Quản tài viên là người chịu trách nhiệm quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh và thanh lý tài sản của doanh nghiệp trong trường hợp giải thể công ty.

Ngay sau khi bổ nhiệm quản tài viên, quyền hành của các giám đốc cũng sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, người thanh lý có quyền kiến nghị và chấp thuận quyền tiếp tục điều hành công ty của các giám đốc nếu điều này ảnh hưởng tích cực đối với việc thanh lý công ty và hoàn thành nghĩa vụ nợ. Quy trình giải thể doanh nghiệp chính thức bắt đầu từ thời điểm này.

Lưu ý quan trọng: Vào bất cứ thời điểm nào, nếu chứng minh được công ty không đủ khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ đầy đủ trong vòng 12 tháng sau khi giải thể như đã tuyên bố, người thanh lý có thể lập tức triệu tập một cuộc họp dành cho các chủ nợ. Quy trình giải thể sẽ lập tức chuyển thành quy trình tự nguyện giải thể bởi các chủ nợ.

2.2. Giải Thể Công Ty Không Còn Khả Năng Trả Nợ

Như đã đề cập, một công ty không còn khả năng trả nợ có thể tự nguyện giải thể hoặc bị bắt buộc phải giải thể:

2.2.1. Tự Nguyện Giải Thể Bởi Chủ Nợ

2.2.1.1. Lý do Giải Thể

Một doanh nghiệp phải trả qua quá trình tự nguyện giải thể bởi chủ nợ khi công ty phá sản vì không còn khả năng chi trả cho các chủ nợ nữa.

2.2.1.2. Quy trình tự nguyện giải thể bởi chủ nợ

Dù cho gọi là giải thể tự nguyện bởi chủ nợ, nhưng quy trình này hầu hết được thực hiện bởi công ty chứ không phải bắt nguồn từ các chủ nợ. Quy trình khá giống với giải thể tự nguyện bởi các thành viên công ty. Có hai bước được thêm vào quy trình là: Bổ nhiệm quản tài viên tạm thời và tổ chức cuộc họp dành cho các chủ nợ. Quy trình có thể được mô tả như sau:

Giai đoạn 1: Tuyên Bố Phá Sản

Giám đốc công ty phải gửi đến người quản lý tài sản được ủy quyền bởi Bộ Tư pháp (Official Receiver) và Cơ Quan Quản Lý Doanh Nghiệp Và Kế Toán (ACRA) một bản tuyên bố rằng:

  • Công ty không còn đủ khả năng tiếp tục kinh doanh do các nghĩa vụ nợ, và
  • Ngày diễn ra Đại hội cổ đông và cuộc họp dành cho chủ nợ đã được ấn định trong vòng 1 tháng kể từ ngày tuyên bố được gửi.

Giai đoạn 2: Bổ Nhiệm Quản Tài Viên Tạm Thời

Điều 219 của Luật Doanh Nghiệp quy định rằng sau khi gửi đơn tuyên bố, công ty lập tức phải chỉ định một người thanh lý tạm thời. Người này sẽ thực thi chức năng và quyền hạn đầy đủ của một quản tài viên trong vòng 1 tháng (trừ trường hợp được gia hạn) hoặc cho đến khi một quản tài viên chính thức được bổ nhiệm.

Sau đó, trong vòng 14 ngày, thông báo bổ nhiệm người thanh lý tạm thời cùng với bản copy của bản tuyên bố phải được gửi lại cho người quản lý tài sản được ủy quyền của Bộ tư pháp và phải được công bố trên ít nhất 4 tờ báo địa phương với mỗi bài trong tổng 4 bài phải được đăng bằng tiếng Anh, Malay, Trung Quốc và Tamil.

Giai đoạn 3: Thông Qua Nghị Quyết Giải Thể Công Ty

Giống như quy trình ở trên.

Giai đoạn 4: Tổ Chức Cuộc Họp Dành Cho Chủ Nợ và Bổ Nhiệm Quản Tài Viên Chính Thức

Theo Phụ lục 3 của Chương 3 trong Luật Doanh Nghiệp quy định về các điều khoản chỉ áp dụng cho quy trình giải thể tự nguyện bởi chủ nợ tại Singapore, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến các chủ nợ về thời gian cuộc họp đồng thời với lúc gửi thông báo về Đại hội cổ đông đến các thành viên công ty. Thông báo gửi đến các chủ nợ phải:

  • Được gửi ít nhất 7 ngày trước cuộc họp;
  • Được đính kèm bản báo cáo ghi rõ tên các chủ nợ và số tiền mà họ nhận được;
  • Được công bố trên ít nhất một tờ báo Singapore 7 ngày trước khi cuộc họp diễn ra.

Cuộc họp với các chủ nợ phải được tổ chức cùng ngày hoặc ngày tiếp theo ngay sau khi Đại hội cổ đông bất thường diễn ra. Tại buổi họp, các chủ nợ sẽ đề xuất và quyết định việc bổ nhiệm quản tài viên chính thức, cho dù công ty đề xuất người khác đi chăng nữa.

2.2.2. Bắt Buộc Giải Thể Bởi Lệnh của Tòa Án

2.2.2.1. Lý do Giải Thể

Bên cạnh việc không thể hoàn thành nghĩa vụ nợ, có một số lý do khác mà một công ty buộc phải bị giải thể do lệnh của Tòa án tối cao, theo Điều 254 của Luật Doanh Nghiệp, ví dụ như:

  • Công ty đã không hoạt động trong vòng một năm kể từ ngày thành lập hoặc tạm ngưng kinh doanh một năm.
  • Giám đốc điều hành công ty vì mục đích tư lợi cá nhân thay vì lợi ích của toàn thể công ty.
  • Công ty được sử dụng cho các mục đích phi pháp.

2.2.2.2. Quy trình giải thể bắt buộc bởi lệnh của tòa án

Theo các quy tắc giải thể công ty tại Singapore, quy trình sẽ được bắt đầu từ việc điền và gửi đến tòa án đơn yêu cầu mở thủ tục giải thể công ty (Originating Summons) và một bản tuyên thệ. Các đơn vị/cá nhân có thể nộp đơn bao gồm:

  • Công ty được giải thể;
  • Chủ nợ của công ty;
  • Cổ đông của công ty;
  • Quản tài viên;
  • Người quản lý tài sản được ủy quyền (Judicial manager)
  • Một số Bộ trưởng dưới các quy định cụ thể của pháp luật;

Ngay sau được gửi, đơn yêu cầu sẽ được công khai trên trang báo địa phương tại Singapore và thông báo của chính phủ (Government Gazette). Việc xét xử sẽ được ấn định và tổ chức trong vòng 6 tuần trong phiên tòa công khai dưới quyền của Tòa án Tối cao. Bất kỳ đơn vị nào có ý kiến bác bỏ việc giải thể công ty có thể nộp đơn bác bỏ ít nhất 7 ngày trước ngày phiên tòa diễn ra.

Trong trường hợp lệnh giải thể được ban hành bởi Tòa án, một quản tài viên phải được bổ nhiệm bởi người nộp đơn kiến nghị giải thể, với sự chấp thuận của người được đề xuất. Nếu không có người thanh lý tài sản được chỉ định thì người quản lý tài sản được Bộ tư pháp ủy quyền sẽ mặc định thực thi chức năng của vị trí này.

3. Các Tác Động của Quy Trình Giải Thể

3.1. Tác Động của Việc Giải Thể Tự Nguyện

Khi quá trình giải thể chính thức bắt đầu, công ty sẽ dừng hoạt động kinh doanh trừ khi quản tài viên chấp thuận việc tiếp tục kinh doanh vì lợi ích chung. Quyền hạn của doanh nghiệp, dưới sự giám sát của quản tài viên, sẽ được duy trì cho đến khi công ty giải thể hoàn toàn.

Ngoài ra, cổ phần sẽ không được phép chuyển nhượng cũng như các tình trạng pháp lý của các thành viên công ty phải đảm bảo không thay đổi trong quá trình thanh lý diễn ra, trừ khi có sự chấp thuận từ phía người chịu trách nhiệm thanh lý tài sản.

3.2. Tác Động của Việc Giải Thể Bắt Buộc

Tương tự, việc kinh doanh của công ty hoặc bất kỳ hành động nào tác động đến công ty sẽ không được phép diễn ra nếu không có sự chấp thuận của Tòa án. Quản tài viên sẽ tiến hành thẩm tra công ty bao gồm cả tài sản và nghĩa vụ nợ, sau đó báo cáo lại cho Tòa án. Trong quá trình này, cổ phần cũng sẽ không được phép chuyển nhượng.

4. Các Ý Chính Cần Nắm

  • Giải thể là quá trình đóng cửa công ty chủ yếu do mất khả năng chi trả nợ.
  • Có ba hình thức giải thể:
    • Giải thể tự nguyện bởi các thành viên công ty, đối với các doanh nghiệp còn khả năng chi trả nợ nhưng quyết định đóng cửa công ty.
    • Giải thể tự nguyện bởi chủ nợ đối với các doanh nghiệp không còn khả năng hoàn thành nghĩa vụ nợ.
    • Giải thể bắt buộc do lệnh của Tòa án.
  • Mỗi hình thức giải thể sẽ có quy trình khác nhau
  • Nhìn chung thì khi quy trình giải thể chính thức bắt đầu, công ty sẽ ngưng các hoạt động kinh doanh, quản tài viên sẽ bắt đầu việc thẩm tra và báo cáo. Hơn nữa, chuyển nhượng cổ phần sẽ không được phép diễn ra nếu không có sự cho phép.

Vậy nếu công ty bạn muốn đóng cửa nhưng không hề có bất nghĩa vụ nợ nào thì sao? Trong trường hợp này, bạn có thể suy xét đến một phương thức giải thể dễ thực hiện hơn nhiều, đó là nộp đơn để hủy đăng ký kinh doanh (Striking off).

Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, hãy liên hệ các chuyên gia của chúng tôi ngay để được giải đáp!

Chia sẻ bài viết này

Bài Viết Gần Đây

Strike Off a Company in Singapore

Hủy Đăng Ký Kinh Doanh Tại Singapore

Hủy đăng ký kinh doanh là quá trình đóng cửa một công ty tại Singapore. Tuy nhiên, trước khi nộp đơn, công ty phải thỏa mãn một số điều kiện nhất định.

articles-icon
Bài Viết Hướng Dẫn
16/04/2020
Công ty không hoạt động tại Singapore

Công ty không hoạt động tại Singapore

Ở Singapore, dormant company là một công ty không hoạt động. Tuy nhiên, IRAS và ACRA đưa ra định nghĩa khác nhau về một công ty không hoạt động.

articles-icon
Bài Viết Hướng Dẫn
07/10/2019
BBCIncorp hội thảo trực tuyến dành cho doanh nghiệp Việt Nam

Hội Thảo Trực Tuyến: Thành Lập Công Ty Singapore Dễ Dàng Cho Doanh Nghiệp Việt Nam

Khám phá những điểm nổi bật của hội thảo trực tuyến đầu tiên do BBCIncorp tổ chức, tìm hiểu về cách thức thành lập công ty và phát triển bền vững tại thị trường Singapore.

articles-icon
Tin Tức
07/09/2023