Doanh nghiệp Việt Nam đang bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, cũng như đặt ra tiêu chuẩn cho sự đổi mới và hiệu quả. Và tâm điểm của sự chuyển đổi này chính là điện toán đám mây.
Điện toán đám mây (Cloud computing) là một công cụ mạnh mẽ, cho phép các tổ chức truy cập và lưu trữ thông tin mà không cần đến các thiết bị vật lý hay hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT). Công nghệ này đang thay đổi sâu sắc cách các công ty hoạt động.
Vậy làm thế nào để các công ty tiên phong công nghệ ở Việt Nam có thể tận dụng công nghệ đám mây để giành lợi thế cạnh tranh tại thị trường châu Á? Cùng tìm hiểu cách mà điện toán đám mây đang cách mạng hóa hoạt động kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và định vị các doanh nghiệp như những nhà lãnh đạo kỹ thuật số.
Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam
Năm 2024, việc áp dụng điện toán đám mây trong các doanh nghiệp Việt Nam đạt kết quả ấn tượng, phản ánh quá trình chuyển đổi số nhanh chóng của đất nước.
Theo báo cáo gần đây của Gartner, tổng chi tiêu toàn cầu cho dịch vụ đám mây được dự báo sẽ đạt mức 678,8 tỷ USD, tăng 20,4% gấp gần ba lần so với tỷ lệ tăng trưởng của tất cả các dịch vụ IT tổng hợp lại.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS) được dự đoán sẽ phát triển nhanh chóng ở mức 26,6%, trong khi nền tảng dưới dạng dịch vụ (PaaS) dự kiến sẽ tăng 21,5%. Các ngành tài chính, bán lẻ và sản xuất tập trung thúc đẩy áp dụng điện toán đám mây.
Có thể nói, các sáng kiến và chính sách của chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng điện toán đám mây rộng rãi trên cả nước.
Cụ thể, Chính phủ Việt Nam đã khởi động “Chương trình Chuyển đổi Số Quốc gia”, dự kiến hoàn thành vào năm 2025 với tầm nhìn kéo dài đến năm 2030. Những sáng kiến đầy tham vọng này hướng đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh.
Để đạt được những mục tiêu này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) dự kiến ban hành các văn bản hướng dẫn và công cụ toàn diện, bao gồm một lộ trình chi tiết cho các cơ sở sản xuất và đề xuất giảm 50% chi phí tư vấn doanh nghiệp.
Nhìn chung, đặc trưng của giải pháp điện toán đám mây tại Việt Nam đó là tiến độ áp dụng nhanh chóng, các chính sách hỗ trợ của chính phủ và một bối cảnh thị trường đang phát triển mạnh, đưa Việt Nam trở thành một nhân tố năng động trong nền kinh tế số của châu Á.
Lợi ích của điện toán đám mây đối với các doanh nghiệp Việt Nam
Điện toán đám mây đang cách mạng hóa môi trường kinh doanh tại Việt Nam, tạo dựng nền tảng cho sự đổi mới và phát triển. Dưới đây là cách các doanh nghiệp Việt Nam khai thác sức mạnh của nó:
Khả năng mở rộng: Mở rộng quy mô hoạt động mà không gặp khó khăn tài chính hoặc đánh mất chất lượng
Hãy tưởng tượng bạn có thể linh hoạt nâng tầm hoạt động kinh doanh một cách liền mạch, như việc mở rộng cửa hàng mà không cần bất động sản mới. Điện toán đám mây cho phép doanh nghiệp tăng hoặc giảm tài nguyên dựa trên nhu cầu, mà không cần vốn đầu tư ban đầu quá lớn.
Nhờ vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam có thể dễ dàng xử lý khối lượng công việc biến đổi liên tục mà không cần đầu tư vào phần cứng đắt đỏ.
Hiệu quả chi phí: Chỉ trả tiền cho không gian lưu trữ bạn thực sự cần
Bằng cách áp dụng điện toán đám mây, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm đáng kể chi phí vốn và chi phí vận hành, cụ thể thông qua việc hợp nhất các hợp đồng với nhà cung cấp và giảm thiểu chi phí bảo trì.
Đối với Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), điện toán đám mây thực sự là một cuộc cách mạng. Đặc biệt vào Ngày Thần Tài, khi phần lớn người Việt đến PNJ mua vàng, nhưng các hệ thống truyền thống không thể đáp ứng được lượng khách hàng lớn.
Với sự trợ giúp của giải pháp nền tảng đám mây, công ty đã tăng công suất hệ thống lên đến 500% mà không làm tăng chi phí, tiết kiệm hàng ngàn giờ cho hoạt động nội bộ và tăng gần 200% năng suất bán hàng.
Khả năng truy cập và hợp tác: Mở rộng hoạt động trên nhiều khu vực pháp lý
FPT Software, nhà cung cấp dịch vụ CNTT hàng đầu tại Việt Nam, là ví dụ điển hình cho doanh nghiệp thành công tận dụng điện toán đám mây để hỗ trợ lực lượng lao động toàn cầu. Sau khi sử dụng nền tảng đám mây của Microsoft Azure, FPT cho phép nhân viên truy cập các dữ liệu và ứng dụng quan trọng một cách an toàn từ bất cứ đâu.
Khi làm việc từ xa trở thành thông lệ trong và sau đại dịch COVID-19, đây vẫn là giải pháp vô cùng quan trọng đối với Việt Nam và thế giới. Cùng với các cải tiến khác định hình tương lai của các công ty khởi nghiệp (startup) ở châu Á, công nghệ điện toán đám mây đã được tích hợp sâu rộng vào hoạt động kinh doanh.
Các công nghệ điện toán đám mây chủ chốt thúc đẩy thay đổi
Công nghệ điện toán đám mây đang tái định hình các doanh nghiệp Việt Nam bằng cách cung cấp các giải pháp có thể mở rộng nhằm thúc đẩy sự thành công và đổi mới trên nhiều lĩnh vực khác nhau.
Cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS)
IaaS cung cấp các tài nguyên cơ sở hạ tầng có khả năng mở rộng mà doanh nghiệp có thể sử dụng theo yêu cầu. Tính linh hoạt này rất quan trọng đối với các công ty muốn mở rộng hoặc thu hẹp nguồn lực CNTT dựa trên nhu cầu hiện tại mà không cần đầu tư vào phần cứng vật lý.
Ngày nay, các nhà cung cấp IaaS cũng đảm bảo các biện pháp bảo mật, bao gồm mã hóa dữ liệu, kiểm soát quyền truy cập và chứng nhận tuân thủ để bảo vệ quyền riêng tư và thông tin của người dùng.
Ví dụ một số đơn vị như Amazon Web Services (AWS), Microsoft Azure, Google Cloud Platform (GCP) và IBM Cloud.
Ở Việt Nam, VNG Corporation, một công ty công nghệ nổi tiếng, là ví dụ điển hình cho việc ứng dụng IaaS thông qua hệ thống độc quyền của mình, CloudVerse. Nền tảng này hỗ trợ các dịch vụ trực tuyến đa dạng của VNG, bao gồm các nền tảng chơi game, thương mại điện tử và mạng xã hội. Thông qua CloudVerse, VNG có thể quản lý nhu cầu cơ sở hạ tầng của mình một cách thuận tiện.
Nhìn chung, IaaS đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam và trên toàn cầu đổi mới, mở rộng quy mô và thích ứng với nhu cầu ngày càng tăng của thị trường trong kỷ nguyên chuyển đổi số.
Nền tảng dưới dạng dịch vụ (PaaS)
Nền tảng dưới dạng dịch vụ (PaaS) là một hệ thống đơn giản hóa quy trình phát triển và triển khai ứng dụng bằng cách cung cấp cho các nhà phát triển một môi trường toàn diện bao gồm các công cụ, thư viện và cơ sở hạ tầng thiết yếu. Cách tiếp cận này giúp làm giảm thiểu sự phức tạp và chi phí thông thường liên quan đến phát triển phần mềm.
KMS Technology, một nhà cung cấp dịch vụ CNTT uy tín có trụ sở tại Việt Nam, đã sử dụng PaaS để tối ưu hóa vòng đời phát triển sản phẩm phần mềm của mình. Bằng cách áp dụng các giải pháp PaaS, KMS Technology hợp lý hóa các quá trình phát triển, cộng tác giữa các nhóm và đẩy nhanh đáng kể tiến độ tiếp thị các sản phẩm phần mềm của họ ra thị trường.
Nền tảng PaaS được trang bị các tính năng bảo mật và khả năng mở rộng tích hợp, cho phép KMS Technology tập trung hơn vào đổi mới và đảm bảo chất lượng, đồng thời giảm thiểu những lo ngại liên quan đến việc quản lý các thách thức cơ sở hạ tầng cơ bản.
Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS)
Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) có nghĩa là hỗ trợ các ứng dụng phần mềm qua internet, giúp doanh nghiệp truy cập và sử dụng phần mềm mà không cần cài đặt hoặc bảo trì cục bộ. Mô hình này đặc biệt có lợi cho các công ty muốn giảm chi phí CNTT.
Ví dụ như BBCIncorp, một nhà cung cấp dịch vụ doanh nghiệp, đã ứng dụng SaaS để tăng cường quá trình vận hành và cung cấp các dịch vụ toàn diện cho khách hàng doanh nghiệp. Công ty sử dụng hệ thống Quản lý quan hệ khách hàng (CRM) trên nền tảng SaaS để tự động hóa các khía cạnh khác nhau trong quy trình bán hàng, bao gồm thu hút khách hàng tiềm năng, theo dõi và chào đón khách hàng mới.
Giải pháp này cho phép BBCIncorp xử lý các tương tác với khách hàng hiệu quả hơn, đảm bảo đưa ra phản hồi nhanh chóng và cá nhân hóa. Khả năng tự động hóa của hệ thống giúp tiết kiệm thời gian quý báu của đội ngũ chăm sóc khách hàng, để họ có thể tập trung vào giải quyết các vấn đề phức tạp và nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng.
Việc áp dụng các công nghệ điện toán đám mây không chỉ nâng cao năng lực hoạt động của các doanh nghiệp Việt mà còn thúc đẩy văn hóa đổi mới và linh hoạt. Sự chuyển đổi công nghệ này đang dần định hướng các doanh nghiệp tại Việt Nam trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường châu Á và hơn thế nữa.
Hơn nữa, những tiến bộ liên tục trong công nghệ điện toán đám mây được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều công cụ và dịch vụ tinh vi hơn cho thị trường.
Kết luận
Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây đang cách mạng hóa bối cảnh thị trường doanh nghiệp tại Việt Nam. Những giải pháp đám mây này cung cấp cho doanh nghiệp những công cụ cần thiết để cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường châu Á, từ đó mở rộng quy mô ra toàn thế giới.
Cho dù doanh nghiệp của bạn đang sử dụng Cơ sở hạ tầng dưới dạng dịch vụ (IaaS) để xây dựng cơ sở hạ tầng có thể mở rộng, Nền tảng dưới dạng dịch vụ (PaaS) để hợp lý hóa việc phát triển ứng dụng hay Phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) để nâng cao hiệu suất công việc, thì những cập nhật quan trọng này đang thay đổi hoạt động kinh doanh theo chiều hướng tốt hơn. Hãy luôn cập nhật để không bị tụt lại phía sau!
Khi Việt Nam tiếp tục phát triển điện toán đám mây, các doanh nghiệp sẽ có vị thế tốt để khai thác những tiến bộ này, đảm bảo lợi thế cạnh tranh và phát triển mạnh trong nền kinh tế kỹ thuật số năng động.
Chia sẻ bài viết này